Saturday 27 April 2024

LUẬT ĐƯA NGƯỜI XIN TỊ NẠN ĐẾN RWANDA CỦA ANH : NỖI SỢ HÃI CHO NHỮNG DI DÂN MUỐN VƯỢT EO BIỂN MANCHE (Chi Phương / RFI)

 



Luật đưa người xin tị nạn đến Rwanda của Anh : Nỗi sợ hãi cho những di dân muốn vượt eo biển Manche

Chi Phương  -   RFI

Đăng ngày: 26/04/2024 - 14:36

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240426-lu%E1%BA%ADt-%C4%91%C6%B0a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-xin-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BA%BFn-rwanda-c%E1%BB%A7a-anh-n%E1%BB%97i-s%E1%BB%A3-h%C3%A3i-cho-nh%E1%BB%AFng-di-d%C3%A2n-mu%E1%BB%91n-v%C6%B0%E1%BB%A3t-eo-bi%E1%BB%83n-manche

 

Được đưa ra từ năm 2021, dự luật « Safety of Rwanda » nhằm gửi những người xin tị nạn ở Anh đến nước Đông Phi Rwanda, đã được chính thức phê duyệt bởi Vua Charles Đệ Tam hôm 25/04/2024, chấm dứt nhiều tháng tranh cãi về tính hợp pháp của chính sách này. Kế hoạch đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp của Anh đã bị nhiều tổ chức quốc tế lên án là vô nhân đạo, và có thể « vi phạm » luật pháp quốc về nhân quyền.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b1476ee8-ea11-11ee-ba78-005056a90284/w:980/p:16x9/000_33PC8KW.webp

Một sĩ quan cảnh sát Pháp quan sát tàu chở người di cư trên eo biển Manche, ngày 18/7/2023. AFP - BERNARD BARRON

 

Hầu hết những người xin tị nạn ở Anh thường vào nước này qua con đường bất hợp pháp, đặc biệt là bằng đường biển, trên những con thuyền thô sơ, nguy hiểm đến tính mạng. Khi đến Anh, những di dân chủ yếu từ châu Phi, châu Mỹ La Tinh hay châu Á, trong đó có Việt Nam, có thể nộp đơn xin bảo hộ quốc tế, thông qua hệ thống tiếp nhận người tị nạn của nước này, và sau đó có thể được phép định cư ở Anh. Tuy nhiên, số phận của những người tìm cách chạy trốn chiến tranh, nghèo đói, mong đổi đời ở Anh Quốc có thể bị chao đảo thêm nữa với luật về nhập cư - Safety of Rwanda mới của chính phủ Rishi Sunak.

 

 

Luật Safety of Rwanda quy định như thế nào ?

 

Luật mới quy định rằng những ai đến bằng thuyền nhỏ hoặc bằng bất cứ phương tiện bất hợp pháp nào, sẽ không bao giờ được chấp nhận tị nạn ở Anh. Thay vào đó, họ sẽ bị tạm giam giữ và gửi đến Rwanda, cách Anh Quốc hơn 7000 km. Việc xem xét các trường hợp xin tị nạn sẽ được tiến hành ở quốc gia châu Phi này, và nếu được chấp thuận, họ sẽ được tái định cư ở đó.

 

Chính phủ Anh lập luận rằng chính sách này sẽ có tác dụng răn đe, ngăn chặn dòng người, lên đến hàng chục nghìn người vượt biên nguy hiểm từ Pháp sang Anh mỗi năm qua biển Manche, đồng thời phá vỡ các mạng lưới môi giới đưa người vượt biên trái phép, “buôn người”.

 

 

Thủ tướng Rishi Sunak cho biết các chuyến bay đưa di dân sang Rwanda dự trù bắt đầu từ khoảng giữa tháng Sáu hoặc tháng Bảy. Chính phủ cũng đã đặt riêng một sân bay « ở chế độ chờ », thuê máy bay thương mại và đào tạo khoảng 500 người hộ tống những người xin tị nạn đến Rwanda.

 

 

Anh Quốc phải chi bao nhiêu cho kế hoạch này ?

 

Mặc dù vẫn chưa có bất cứ người xin tị nạn nào bị Anh Quốc gửi đến Rwanda, theo New York Times, nhưng một tổ chức độc lập giám sát chi tiêu công ở Anh, hồi tháng Ba, đã chỉ ra rằng chính phủ Anh sẽ phải trả cho Rwanda khoảng 370 triệu bảng Anh vào cuối năm 2024. Chi phí để thực thi chính sách này sẽ tăng lên khi các máy bay trục xuất người tị nạn khởi hành.

 

Đối với mỗi người được gửi đến Rwanda, Anh Quốc cam kết trả cho nước Đông Phi này 20 000 bảng Anh cho “phí phát triển”, và 150 874 bảng Anh cho mỗi người xin tị nạn, cho chi phí “hoạt động”. Sau khi 300 người đầu tiên được gửi đến Rwanda, Anh Quốc sẽ chi  thêm 120 triệu bảng cho Rwanda.

 

Ông Yvette Cooper, bộ trưởng Lao động, thuộc phe đối lập, chịu trách nhiệm về danh mục đầu tư bao gồm di cư, cho rằng chi phí này là “quá cao” và lập luận rằng “thay vào đó, số tiền này nên được đầu tư vào “tăng cường an ninh biên giới của Anh”.

 

 

Tại sao luật gây tranh cãi về mặt pháp lý, có nguy cơ tạo ra cuộc khủng hoảng về Hiến Pháp ở Anh?

 

Đạo luật Safety of Rwanda, được thông qua vào thứ Ba đã bác bỏ phán quyết của Tòa Án Tối Cao Anh Quốc vào tháng 11/2023, khi coi kế hoạch gửi người xin tị nạn đến quốc gia châu Phi này là bất hợp pháp. Lúc đó, các thẩm phán nhận định rằng Rwanda không phải là một quốc gia an toàn, để có thể tái định cư, hoặc cho phép xét xử các trường hợp xin tị nạn của họ. Mặc dù được cho là một trong những nước ổn định nhất ở châu Phi, nhưng chính phủ hiện hành của Rwanda thường xuyên bị tố cáo có các chính sách độc tài.

 

Trang tin của chính phủ Anh nêu rằng luật mới cũng sẽ ngăn cản các tòa án của Anh, làm trậm trễ hoặc can thiệp đến quá trình trục xuất một người đến Rwanda, chỉ vì liên quan đến tính an toàn ở Rwanda.

 

Điều này đặt ra vấn đề về « cam kết của chính phủ đối với Nhà nước pháp quyền », tức là không ai đứng trên luật pháp, kể cả chính phủ, theo như nhận định của Stephen Clear giảng viên ngành luật tại đại học Bangor, Anh Quốc, giải thích trong bài đăng trên The Conversation.

 

Mặc dù Anh Quốc không có Hiến Pháp viết thành văn, nhưng về mặt lý thuyết, Anh Quốc có một hệ thống kiểm soát và cân bằng : Quốc hội, chính phủ và các thẩm phán, hạn chế quyền lực và kiểm soát lẫn nhau. Ông Stephen Clear khẳng định luật trục xuất di dân sang Rwanda của chính phủ Anh đã không tôn trọng sự phân chia quyền lực.

 

 

Tại sao Anh Quốc phải đốt mặt với » cuộc chiến pháp lý » với tòa án quốc tế ? 

 

Một số người tị nạn hiện nằm trong danh sách bị trục xuất vào mùa hè tới, dự kiến sẽ nộp đơn tới Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu để xin “các biện pháp tạm thời”, nhằm ngăn chặn bị gửi tới Rwanda. Tòa án có trụ sở tại Strasbourg, ở Pháp, có quyền ngăn chặn khẩn cấp và đã từng cản trở một số chuyến bay đến Rwanda khi đang ở trên phi trường chuẩn bị cất cánh.

 

Để tránh tình huống này, luật của chính phủ Sunak sẽ trao quyền hủy bỏ các biện pháp tạm thời cho một bộ trưởng, phớt lờ các lệnh khẩn cấp từ Tòa án nhân quyền châu Âu nhằm ngăn chặn các chuyến bay cất cánh. Cụ thể, quyết định này hiện thuộc về Michael Tomlinson, bộ trưởng về nhập cư bất hợp pháp, theo một nguồn tin ẩn danh của Politico.

 

Điều này tạo ra tiền đề về một cuộc đối đầu căng thẳng giữa chính phủ Anh Quốc và “tòa án nước ngoài”. Theo Politico, chưa có một thủ tướng Anh nào phớt lờ các lệnh do tòa ở Strasbourg ban hành như ông Sunak. Trong một cuộc họp báo trong tuần này, ông khẳng định “không có bất cứ tòa án nước ngoài nào có thể ngăn chặn các chuyến bay chở người tị nạn cất cánh”.

 

 

Luật trục xuất người tị nạn tới Rwanda nhận được những phản ứng như thế nào ?

 

Ngay khi đạo luật được Quốc Hội Anh thông qua hôm thứ Ba, hơn 250 tổ chức nhân quyền của Anh đã viết thư cho ông Sunak bày tỏ sẽ phản đối các biện pháp này tại tòa án châu Âu và Anh. Tổ chức Ân xá Quốc tế Vương quốc Anh đã tuyên bố sẽ “đưa ra biện pháp bảo vệ pháp lý quốc tế cho một số người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”. Luật về Rwanda bị lên án đi ngược lại nghĩa vụ pháp lý của Anh đối với người tị nạn theo luật pháp quốc tế và vi phạm Công ước về người tị nạn của Liên hợp quốc năm 1951. Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Luân Đôn « cân nhắc lại kế hoạch ». Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm, cho rằng gửi người xin tị nạn đến Rwanda là « không hiệu quả » và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

 

Nhiều tổ chức nhân quyền cũng cho biết sẽ có hành động nhằm trì hoãn bất kỳ chuyến bay di dời nào. Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, cảnh báo các hãng hàng không rằng họ có thể « đồng lõa vi phạm nhân quyền được quốc tế bảo vệ và lệnh của tòa án » nếu họ thực hiện các chuyến bay.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ANH QUỐC - DI DÂN

Quốc tế chỉ trích Anh thông qua luật trục xuất di dân sang Rwanda

 

ANH QUỐC - NHẬP CƯ

Trục xuất di dân bất hợp pháp sang Rwanda : Thủ tướng Anh đối mặt với cuộc bỏ phiếu đầy rủi ro

 

ĐIỂM BÁO

Anh ra luật trục xuất di dân sang Rwanda: Tiền lệ ‘‘đáng lo’’ và ‘‘nguy hiểm’’

 

 







TẠI SAO CHÍNH QUYỀN PHÁP BỊ TỐ "THANH LỌC XÃ HỘI" TRƯỚC THỀM THẾ VẬN HỘI MÙA HÈ PARIS 2024? (Thùy Dương / RFI)

 



 

Tại sao chính quyền Pháp bị tố « thanh lọc xã hội » trước thềm Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024 ?

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 26/04/2024 - 15:37

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240426-t%E1%BA%A1i-sao-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-ph%C3%A1p-b%E1%BB%8B-t%E1%BB%91-thanh-l%E1%BB%8Dc-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-th%E1%BB%81m-th%E1%BA%BF-v%E1%BA%ADn-h%E1%BB%99i-m%C3%B9a-h%C3%A8-paris-2024

 

Tăng cường giải tỏa các trại tạm cư ở vùng Paris, di dời dân nhập cư và người vô gia cư đến các vùng khác, chính phủ Pháp bị nhiều hiệp hội tố cáo « thanh lọc xã hội », đẩy những người yếu thế, dễ bị tổn thương đi xa thủ đô để che giấu cảnh bần hàn trên đường phố, làm sạch đẹp bộ mặt Paris, trước thềm Thế Vận Hội Mùa Hè 2024.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d762088c-f762-11ee-85ac-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP24094521405876.webp

Ngày 03/04/2024, một khu tạm cư trái phép của khoảng 50 di dân phía trước tòa đô chính Paris đã bị giải tỏa. © AP - Nicolas Garriga

 

Liên Hiệp « Mặt trái của tấm huy chương » (Le revers de la médaille) ghi nhận các gia đình có con nhỏ cũng không phải là ngoại lệ. Liên Hiệp « Mặt trái của tấm huy chương » quy tụ 80 hiệp hội thiện nguyện, hỗ trợ người nhập cư, trong đó có những tổ chức nổi tiếng tại Pháp như Médecins du Monde, Secours catholique, Action contre la faim, Emmaüs …

 

Thế Vận Hội là lý do chính ?

 

Ông Paul Alauzy, điều phối viên về theo dõi tình hình sức khỏe của tổ chức Médecin du Monde, phát ngôn viên Liên Hiệp« Mặt trái của tấm huy chương » (Le revers de la médaille) nhấn mạnh trong chương trình tranh luận « Thế Vận Hội sẽ dẫn đến một sự suy thoái xã hội ? » trên đài RFI Pháp ngữ ngày 26/03 :

 

« Dùng từ ngữ như vậy (thanh lọc xã hội - nettoyage social) là nặng nề, nhưng xét đến số phận của những cá nhân đã bị đối xử tệ như vậy từ nhiều tháng nay ở Paris, ở vùng Île-de-France, tôi nghĩ rằng những từ ngữ này đã truyền tải đầy đủ ý nghĩa. Rõ ràng là có những vụ tấn công nhắm vào khu vực của những người đang trong tình cảnh bấp bênh ở Paris, hoặc là trên đường phố, hoặc là trong những khu nhà tạm và việc này xảy ra khắp vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận).

 

Từ cách nay nhiều tháng, chúng tôi thấy là đã có những chính sách ngược đãi những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta và những người đang sống trên đường phố, không nhà cửa. Và nay, chúng tôi thấy có sự tăng tốc, những phương pháp mới, và chúng tôi cũng thấy có những sự kiện mới đang diễn ra nhằm vào những người sống lang thang trên đường phố. Chúng tôi đã đọc và tìm hiểu tài liệu. Chuyện này hoàn toàn có liên quan đến việc Thế Vận Hội được tổ chức và sắp diễn ra.

 

Chẳng hạn, Nhà nước đã triển khai một hệ thống trung tâm tiếp đón (SAS) mới cấp vùng. Việc dỡ bỏ lán trại, giải tỏa các khu tạm cư ở Paris đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng từ khoảng gần một năm trở lại đây, ngay từ khi có các chuyến xe khách được điều đến để sơ tán những người sống ở các khu tạm cư nghèo khổ, khốn cùng đó, thì chúng tôi thấy những người này đều được đưa ra khỏi vùng Ile-de-France. Giải pháp lập khu tạm cư ngay tại vùng Paris hầu như không còn tồn tại. Điều này là có liên quan đến việc tổ chức Thế Vận Hội ».

 

 

Chính quyền Pháp bị chỉ trích về nhiều điểm

 

Chính phủ Pháp đã bác bỏ điều mà các hiệp hội nhân quyền gọi là sự « thanh lọc xã hội » trước thềm Olympic. Theo chính quyền Macron, chiến dịch di dời, giải tỏa này chỉ nhằm giảm tải cho Paris. Đồng thời, việc phân bổ di dân về các tỉnh cũng tạo thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính cho họ.

 

Thực ra, việc giải tỏa các khu tạm cư trái phép không phải chuyện bây giờ mới xảy ra ở Paris và vùng phụ cận. Le Monde ngày 11/04 trích báo cáo của Collectif Accès au droit, theo đó rất khó để khẳng định mối liên hệ giữa chiến dịch giải tỏa khu tạm cư, cưỡng chế di dân rời đi, với việc tổ chức Thế Vận Hội. Trên thực tế, từ trước tới nay, sở Cảnh sát vùng Paris vẫn thường có những chiến dịch quy mô lớn như vậy, nhưng Collectif Accès au droit cũng khẳng định xu hướng gia tăng mạnh chiến dịch giải tỏa. Đã có 33 vụ ở nội đô Paris giai đoạn từ tháng 04/2023 đến giữa tháng 03/2024, so với 19 vụ so với cùng kỳ năm trước. Collectif Accès au droit là đài quan sát về tình trạng vi phạm nhân quyền, không tiếp đón và nạn bạo lực của cảnh sát nhắm vào di dân đang phải sống lang thang trên đường phố Paris.

 

Chính quyền Pháp bị chị trích về cách thức tiến hành giải tỏa khu tạm cư, chẳng hạn là vào ban đêm khi mọi người đang ngủ, với sự tham gia của hàng trăm cảnh sát. Chính quyền cũng bị lên án về việc thiếu thông tin minh bạch, không quy hoạch các trung tâm đón tiếp người nhập cư (SAS) ngay tại vùng Paris mà chỉ lập « các trung tâm đón tiếp cấp vùng » ở những nơi xa Paris, gây khó khăn cho người nhập cư về việc tìm công việc, phải làm lại các thủ tục hành chính ở nơi mới … thậm chí nhiều tổ chức hỗ trợ di dân còn tố đây là « cái bẫy hành chính » mà chính quyền giăng ra.

 

Cách thu xếp, bố trí nơi tạm cư mới, phân bổ người bị di dời từ Paris về các trung tâm tiếp đón cấp vùng cũng bị cho là mang tính cưỡng chế, áp đặt một chiều. Le Monde ngày 20/03 cho biết trên toàn quốc có 10 trung tâm đón tiếp cấp vùng, được Nhà nước lập hồi tháng 04/2023. Theo báo 20 minutes ngày 03/03, người nhập cư không được lựa chọn, thậm chí khi lên xe cũng không biết mình sẽ được đưa đến đâu, được tiếp đón thế nào.

 

Những người bị di dời phải đứng trước lựa chọn, hoặc là phải lên xe để đi đến trung tâm ở các tỉnh theo sự phân bổ của Nhà nước, hoặc là sẽ không được bố trí chỗ ở tạm nữa. Nhưng thời gian họ được phép ở lại một trung tâm đón tiếp cấp vùng nào đó cũng chỉ kéo dài tối đa 3 tuần. Sau đó, họ đi đâu về đâu, sẽ tiếp tục được hỗ trợ thế nào ? Thông tin chính sách về lâu dài của Nhà nước Pháp bị xem là chưa đầy đủ, mù mờ.

 

Theo Liên Hiệp« Mặt trái của tấm huy chương », nhiều di dân sau khi chuyển đến các khu tiếp đón ở tỉnh, lại đành rời đi khi chưa hết 3 tuần theo quy định vì điều kiện ở đó không phù hợp, cho dù điều này sau đó sẽ khiến họ gặp rắc rối trong quá trình làm thủ tục hợp pháp hóa giấy tờ hoặc đề nghị được bố trí nơi tạm cư mới. 

 

 

Chính quyền Paris : Trách nhiệm lập nơi ở khẩn cấp là của Nhà nước

Về trách nhiệm của Paris, thành phố đăng cai tổ chức Thế Vận Hội, cũng trên đài RFI Pháp ngữ, bà Léa Filoche, trợ lý của đô trưởng Paris, người chuyên trách về tương trợ, chỗ ở khẩn cấp và bảo vệ người tị nạn, chống bất bình đẳng, khẳng định việc giải tỏa các khu tạm cư không phải do chính quyền thành phố triển khai mà là do sở cảnh sát cấp vùng Paris thực hiện. Chính quyền Paris cũng không có thẩm quyền trong việc lập các khu tạm cư khẩn cấp và phân bổ di dân, mà đây là việc của chính quyền trung ương.

 

Và chính trợ lý của đô trưởng Paris cũng muốn công việc quản lý này phải do Nhà nước thực hiện. Bởi vì theo bà có như vậy thì chính sách tiếp đón di dân mới công bằng và thống nhất trên toàn quốc, tránh tình trạng do chính quyền địa phương thuộc đảng phái chính trị khác nhau mà chính sách đón tiếp di dân cũng mang tính vùng miền. Vả lại, chính quyền thành phố không tìm cách che đậy, giấu giếm cảnh sống khốn khổ, đáng buồn mà bà xem là một phần của cuộc sống đời thường ở Paris :

 

« Trước hết, Paris là một thành phố rất thường xuyên tổ chức các sự kiện cấp quốc gia, thậm chí là các sự kiện tầm vóc quốc tế. Trên thực tế, chúng tôi biết cách thực hiện, bởi vì chúng tôi biết những người vô gia cư trên đường phố, chúng tôi biết cách nói chuyện với họ, chúng tôi có các đội đi tuần, gặp gỡ, nói chuyện để tìm hiểu và giúp đỡ người vô gia cư, chúng tôi có các phương tiện, những nhân viên chuyên nghiệp và các tình nguyện viên tiếp xúc hàng ngày với người vô gia cư. Việc tổ chức một sự kiện tầm vóc toàn cầu theo cách để nó diễn ra cùng với một cuộc sống vốn tồn tại như trong đời thực ở Paris, cũng như trong đời thường ở thủ đô mọi nước khác, nơi có những người rất giàu có, sống sung sướng và cũng có cả những người rất nghèo, sống buồn khổ, không phải là việc quá phức tạp.

 

Trái lại, điều mà thị trưởng Paris ủng hộ, là Thế Vận Hội và Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật phải hòa vào đời thường, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cả hai bên đều có chỗ đứng của mình. Chúng tôi không phải người quyết định tổ chức những hoạt động « thanh lọc », không giải tỏa, hay buộc mọi người phải rời đi, bất kể thế nào … Mọi hoạt động phải được tổ chức xoay quanh mọi người, các nhu cầu của họ, theo mục tiêu mà chúng tôi đề ra là bảo đảm chất lượng các dịch vụ của chúng tôi ».

 

Bà Léa Filoche, trợ lý của đô trưởng Paris, không chỉ phản đối chiến dịch bị xem là « vô hình hóa » sự tồn tại của người nhập cư, mà đặc biệt chỉ trích việc nhiều quan chức Nhà nước trung ương đến phối hợp với Paris để quản lý người nhập cư lại cho rằng chính việc hỗ trợ di dân lại càng khiến nạn nhập cư bất hợp pháp thêm nghiêm trọng :

 

 « Tôi muốn nói đến hai điều vượt xa cả việc khiến những người này trở nên vô hình. Đó là đầu óc tưởng tượng của một số người của Nhà nước và có tính truyên truyền. Điều khiến tôi lo ngại hơn cả chính vấn đề vô hình hóa người nhập cư, là tư tưởng cực hữu cho rằng các trợ cấp xã hội, trợ cấp gia đình hoặc hỗ trợ nhà ở lại chính là những biện pháp mời gọi, thu hút người nhập cư nước ngoài. Đã có những của Nhà nước đến giải thích trực tiếp với chúng tôi là càng tạo nhiều chỗ ở, càng có nhiều điểm phân phát thực phẩm, càng cải thiện điều kiện tiếp đón người nhập cư thì sẽ càng có thêm nhiều người đến. Đấy là những phát biểu mang tính chính trị. Thế nhưng, chúng tôi lo ngại về việc trong khi chúng tôi đang tranh đấu để bảo vệ nhân phẩm, tính nhân văn, tình nhân đạo, thì lại có những người của Nhà nước đến nói với chúng tôi rằng chính vì chúng tôi làm như vậy nên mới có nhiều người nhập cư hơn.

Và tôi rất lo lắng vì họ không chỉ dừng ở lời nói mà còn biến điều đó thành chính sách công. Nhà nước đã từ chối cho phép có trung tâm tiếp đón (SAS) ở vùng Île-de-France (Paris và vùng phụ cận), bởi vì họ tin rằng ngày nay chính vì điều kiện dễ chịu, thoải mái... nên di dân mới đổ về Paris.

 

Chẳng ai lại đi nửa vòng Trái đất chỉ để được phân phát thức ăn phía dưới đường tàu điện trên cao, bến Stalingrad, hoặc để ngủ trong phòng tập thể dục thể thao ở quận 11 của thành phố Paris. Không ai muốn như vậy hết. Khi mọi người đã đến đây rồi thì chính sách của Nhà nước cũng phải phản ánh được thực tế xã hội của đất nước. Có những người không có chỗ ở, dù họ có giấy tờ hợp pháp hay không, dù họ có phải người nhập cư hay không, chúng ta cũng phải tìm ra giải pháp phù hợp với họ ».

 

 

Vòng luẩn quẩn không hồi kết ?

 

Thiếu biện pháp hỗ trợ lâu dài hiệu quả và các giải pháp triệt để khác từ chính quyền, những người vô gia cư bị giải tán khỏi một khu tạm cư bất hợp pháp nào đó lại tìm đến khu tạm cư bất hợp phát mới. Theo La Croix ngày 17/04/2024, 450 người nhập cư đã phải rời khỏi một khu tạm cư bất hợp pháp vốn là một tòa nhà bỏ hoang ở Vitry-sur-Seine, ngoại ô đông nam Paris. Tòa nhà này thực chất từng là trụ sở của một công ty xe bus, sau khi bị bỏ hoang cách nay 3 năm, đã dần dần bị hàng trăm người từ những khu tạm cư bất hợp pháp bị giải tỏa khác chuyển đến ở trái phép.

 

Vậy đâu là giải pháp nên hướng tới ? Trợ lý đô trưởng Paris, chuyên trách chỗ ở khẩn cấp và bảo vệ người tị nạn, đề xuất chuyển những tòa nhà bị bỏ hoang thành khu tạm cư hợp pháp có quy hoạch và được quản lý, tránh tình trạng di dân, người vô gia cư tự phát chiếm giữ tập thể các khu nhà này, để rồi lại bị giải tỏa, tạo thành cái vòng luẩn quẩn không hồi kết.  

Trước mắt, liên quan đến Thế Vận Hội Mùa Hè 2024, nhiều hiệp hội đề xuất Nhà nước lập « cơ sở nhân đạo » đón tiếp di dân tương tự như đã tiếp đón những người Ukraina được sơ tán khi chiến tranh mới nổ ra.

 

Dung hòa được việc tổ chức Thế Vận Hội, duy trì an ninh trật tự và bảo vệ hình ảnh của một Paris tráng lệ để đón hàng chục triệu du khách quốc tế, đồng thời bảo đảm đối xử nhân đạo với di dân, người vô gia cư, nhóm người được coi là yếu thế, dễ bị tổn thương, dường như không phải là việc dễ dàng. Nhất là khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến ngày khai mạc sự kiến thể thao lớn nhất hành tinh …

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Thế vận hội Paris 2024: Giao thông và an ninh vào chặng nước rút

 

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Thế Vận Hội Paris 2024 : Năm vấn đề khẩn cấp cần giải quyết trước giờ khai mạc

 

PHÂN TÍCH

Thế Vận Hội Paris 2024 : Trước thách thức đe dọa tin tặc quy mô kỷ lục

 

 

 



NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT CHỐNG "CAN THIỆP CỦA NGOẠI QUỐC" (Thanh Hà / RFI)

 



Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết chống « can thiệp của nước ngoài »

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 26/04/2024 - 11:29

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240426-ngh%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87n-ch%C3%A2u-%C3%A2u-th%C3%B4ng-qua-ngh%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt-ch%E1%BB%91ng-can-thi%E1%BB%87p-c%E1%BB%A7a-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i

 

Ngày 25/04/2024 Nghị Viện Châu Âu đã biểu quyết với 429 phiếu thuận, 29 phiếu chống, thông qua một nghị quyết khuyến cáo 27 nước thành viên Liên Âu « đề cao cảnh giác và cứng rắn trước các hình thức can thiệp của nước ngoài », sau khi một số nghị viên bị điều tra vì bị nghi ngờ nhận tiền của Qatar, Nga hay Trung Quốc. Nghị quyết này không mang tính ràng buộc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/68f25374-e147-11ee-9432-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_34LG62R.webp

Các thành viên của Nghị Viện Châu Âu tham gia vào một cuộc biểu quyết tại trụ sở ở Strasbourg, Pháp, 13/03/2024. © AFP - Frederick Florin

 

Vài tuần lễ trước bầu cử châu Âu, cuộc bỏ phiếu hôm qua diễn ra trong bối cảnh, trợ lý của nghị viên người Đức Maximilian Krah, đứng dầu danh sách ra tranh cử của đảng cực hữu AfD(Alternative for Germany), bị bắt hôm 23/04/2024 vì bị tình nghi cung cấp cho Trung Quốc  các thông tin về Nghị Viện Châu Âu và liên quan đến các nhà đối lập Trung Quốc sống lưu vong tại Đức.

 

Bản nghị quyết vừa được thông qua yêu cầu đảng AfD minh bạch về « những mối liên hệ tài chính của đảng với điện Kremlin », đề nghị mở một cuộc « điều tra nội bộ để thẩm định về khả năng Nga và một số quốc gia khác đã can thiệp vào Nghị Viện Châu Âu ».

 

Đọc thêm : Qatargate: Các lỗ hổng cho tham nhũng và tội phạm ở Nghị Viện Châu Âu

 

Văn bản lưu ý châu Âu cần « cứng rắn », các nghị viên cần ý thức được rằng, họ là những « mục tiêu tiềm tàng » mà các đối thủ của Liên Âu có thể nhắm tới. Theo lời nghị viên Hà Lan đại diện cho đảng Xanh Châu Âu, Bas Eichkhout được AFP trích dẫn, các công dân trong khối châu Âu cần được bảo đảm rằng « các nghị viên họ bầu ra là để phục vụ lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu chứ không vì quyền lợi của Trung Quốc, Nga hay bất kỳ một chế độ chuyên chế nào khác ». 

 

Cuối tháng 3/2024 Cộng Hòa Séc và Bỉ tiết lộ cả một « hệ thống điệp viên Nga liên lạc và dùng tiền mua chuộc nhiều nghị viên châu Âu » với mục đích « tuyên truyền cho chính sách của Matxcơva, làm phương hại đến toàn vẹn lãnh thổ của Liên Âu, đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».

 

Tháng 12/2022 vụ tai tiếng Qatargate bị phơi bày ra ánh sáng : nhiều nghị viên trong đó có phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu bị phát hiện nhận tiền của Qatar, Maroc để im lặng về những vi phạm nhân quyền của Qatar trước Cúp Bóng đá Thế giới, hay để bảo vệ quyền lợi của Maroc trong vùng sa mạc Tây Sahara.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - GIÁN ĐIỆP

Ukraina phá vỡ một mạng lưới gián điệp Nga ‘‘lớn’’ trong ngành tình báo

 

BA LAN - NGA - GIÁN ĐIỆP

Ba Lan mở chiến dịch chống mạng lưới gián điệp Nga

 

ANH - TRUNG QUỐC

Trùm gián điệp Anh tố cáo Trung Quốc “đồng lõa” với Nga trong cuộc chiến Ukraina

 





MỸ CHÂM THÊM LỬA Ở TRUNG ĐÔNG (Stephen M. Walt / Foreign Policy)

 



Mỹ châm thêm lửa ở Trung Đông    

Tác giả: Stephen M. Walt (Foreign Policy)

Người dịch: Nguyễn Phú Lộc

24-4-2024

 https://www.phantichkinhte123.com/2024/04/my-cham-them-lua-o-trung-ong.html#more

 

Israel đang ngày càng gặp nguy hiểm nhưng trách nhiệm nằm ở Washington nhiều hơn là ở Tehran.

 

Quyết định của Iran trả đũa cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán của họ ở Damascus, bằng cách tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa cho thấy chính quyền Biden đã xử lý sai vấn đề ở Trung Đông như thế nào. Sau khi tự thuyết phục mình vào đêm trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 rằng, khu vực này “yên tĩnh hơn so với nhiều thập kỷ trước”, các quan chức Hoa Kỳ kể từ đó đã phản ứng theo những cách khiến tình hình đã tồi tệ càng trở nên tồi tệ hơn. Điều tốt nhất mà người ta có thể nói để bào chữa cho họ là họ có rất nhiều bạn đồng tình: Các chính quyền Trump, Obama, Bush và Clinton vốn cũng đã tạo ra nhiều thứ tương tự.

 

Phản ứng của chính quyền trước cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào ngày 7 tháng 10 có ba mục tiêu chính. Đầu tiên, họ đã tìm cách truyền đạt sự ủng hộ kiên định dành cho Israel: ủng hộ Israel bằng các tuyên bố, thường xuyên trao đổi với các quan chức hàng đầu của Israel, bảo vệ Israel trước các cáo buộc diệt chủng, phủ quyết các nghị quyết ngừng bắn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cung cấp cho nước này nguồn cung ứng vũ khí ổn định, những vũ khí sát thương. Thứ hai, Washington đã cố gắng ngăn chặn xung đột ở Gaza leo thang. Cuối cùng, họ đã cố gắng thuyết phục Israel hành động kiềm chế, vừa để hạn chế gây tổn hại cho dân thường Palestine vừa để giảm thiểu thiệt hại cho hình ảnh và danh tiếng của Hoa Kỳ.

 

Chính sách này đã thất bại vì mục tiêu của nó vốn đã có mâu thuẫn nội tại. Việc hỗ trợ vô điều kiện cho Israel khiến các nhà lãnh đạo của nước này có ít động lực để chú ý đến những lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi họ phớt lờ chúng. Gaza đã bị phá hủy, ít nhất 33.000 người Palestine (trong đó có hơn 12.000 trẻ em) đã thiệt mạng và các quan chức Mỹ hiện thừa nhận rằng thường dân ở đó đang phải đối mặt với nạn đói. Lực lượng dân quân Houthi ở Yemen tuyên bố yêu cầu ngừng bắn, tiếp tục nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ; xung đột cấp độ thấp giữa Israel và Hezbollah vẫn đang âm ỉ; và bạo lực đã gia tăng mạnh mẽ ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Và bây giờ Iran đã trả đũa vụ đánh bom lãnh sự quán của mình ngày 1 tháng 4 bằng cách tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thậm chí còn rộng hơn.

 

Bởi vì người Mỹ đã quen với cáo buộc rằng, Iran là hiện thân của cái ác, nên một số người có thể có xu hướng đổ lỗi cho Tehran về tất cả những rắc rối này. Chẳng hạn, chỉ mới tuần trước, trang chính trên tờ New York Times đã thông báo rằng Iran đang “làm tràn ngập” vũ khí ở Bờ Tây với hy vọng khuấy động tình trạng bất ổn ở đó.

 

Theo quan điểm của họ, Iran đang chế thêm dầu vào một khu vực vốn đã chìm trong biển lửa. Nhưng câu chuyện này còn nhiều điều hơn thế nữa, và hầu hết nó đều tác động xấu đến Hoa Kỳ.

 

Trước hết tôi cần nói rõ: Iran được cai trị bởi một chế độ thần quyền tàn bạo mà tôi không có thiện cảm gì, mặc dù tôi thực sự thông cảm với hàng triệu người Iran đang sống dưới sự cai trị của chế độ này và những người phải chịu đựng những tác động trừng phạt của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Một số hành động của chế độ đó – ví dụ như ủng hộ việc Nga xâm chiếm Ukraine – rất đáng bị phản đối. Nhưng những nỗ lực của họ để buôn lậu vũ khí nhỏ và các loại vũ khí khác đến Bờ Tây (hoặc Gaza) có đặc biệt tàn ác không? Và quyết định đáp trả cuộc tấn công gần đây của Israel vào lãnh sự quán của nước này – giết chết hai tướng Iran trong đợt đó – có phải là điều đáng ngạc nhiên không?

 

Theo Công ước Geneva, người dân sống dưới “sự chiếm đóng hiếu chiến” có quyền chống lại lực lượng chiếm đóng. Do Israel đã kiểm soát Bờ Tây và Đông Jerusalem từ năm 1967, xâm chiếm những vùng đất này với hơn 700.000 người định cư bất hợp pháp và giết hại hàng nghìn người Palestine trong suốt thời gian này, nên không có nghi ngờ gì rằng đây là một “sự chiếm đóng hiếu chiến”. Tất nhiên, các hành động phản kháng vẫn phải tuân theo luật chiến tranh, và Hamas cũng như các nhóm người Palestine khác vi phạm luật này khi tấn công thường dân Israel. Nhưng chống lại sự chiếm đóng là hợp pháp và việc giúp đỡ người dân bị bao vây để làm chuyện đó không hẳn là sai, ngay cả khi Iran làm điều này vì lý do riêng của mình chứ không phải vì cam kết sâu sắc với chính nghĩa của người Palestine.

 

Tương tự, quyết định trả đũa của Iran sau khi Israel ném bom lãnh sự quán và giết chết hai tướng Iran khó có thể là bằng chứng cho sự hung hăng bẩm sinh, đặc biệt là khi Tehran đã nhiều lần ra tín hiệu rằng họ không muốn mở rộng chiến tranh. Thật vậy, hành động trả đũa của họ được tiến hành theo cách đưa ra cảnh báo đáng kể cho Israel và dường như nhằm báo hiệu rằng Tehran không muốn leo thang căng thẳng hơn nữa. Như các quan chức Mỹ và Israel thường nói khi họ sử dụng vũ lực, Iran chỉ đơn giản là đang cố gắng “khôi phục khả năng răn đe”.

 

 

Chúng ta đừng quên rằng Hoa Kỳ đã “làm tràn ngập” vũ khí ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ. Nó cung cấp cho Israel hàng tỷ USD thiết bị quân sự hiện đại mỗi năm, cùng với những cam kết lặp đi lặp lại rằng sự hỗ trợ của Mỹ là vô điều kiện.

 

Sự ủng hộ đó không hề suy giảm khi Israel ném bom và bỏ đói dân thường ở Gaza, và nó không bị ảnh hưởng khi Israel chào đón chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bằng việc tuyên bố tịch thu đất đai lớn nhất của người Palestine ở Bờ Tây kể từ năm 1993. Washington không phản ứng gì khi Israel ném bom lãnh sự quán Iran, trong lúc Mỹ lên án vụ tấn công gần đây của Ecuador vào Đại sứ quán Mexico ở Quito. Thay vào đó, các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc đã tới Jerusalem để thể hiện sự ủng hộ và Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng cam kết của ông với Israel vẫn “bền chặt”. Có gì ngạc nhiên khi các quan chức Israel tin rằng họ có thể phớt lờ lời khuyên từ Hoa Kỳ?

 

Các quốc gia có quyền lực không được kiểm soát có xu hướng lạm dụng nó và Israel cũng không phải là ngoại lệ. Bởi vì Israel mạnh hơn rất nhiều so với các đối tượng Palestine của mình – và cũng có năng lực hơn Iran về vấn đề đó – nên Israel có thể hành động chống lại họ mà không bị trừng phạt, và điều này thường xảy ra. Sự hỗ trợ hào phóng và vô điều kiện của Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ đã cho phép Israel làm bất cứ điều gì họ muốn, điều này đã góp phần khiến nền chính trị cũng như cách hành xử của nước này đối với người Palestine ngày càng trở nên cực đoan theo thời gian.

 

Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi khi người Palestine có thể huy động sự phản kháng hiệu quả – như họ đã làm trong Intifada lần thứ nhất (1987-1993) – thì các nhà lãnh đạo Israel như cựu Thủ tướng Yitzhak Rabin mới buộc phải thừa nhận sự cần thiết phải thỏa hiệp và nỗ lực kiến tạo hòa bình. Thật không may, vì Israel quá mạnh, người Palestine quá yếu và các nhà hòa giải Mỹ quá nghiêng về phía Israel nên không ai trong số những người kế nhiệm Rabin sẵn sàng đưa ra cho người Palestine một thỏa thuận mà họ có thể chấp nhận.

 

Nếu bạn vẫn còn khó chịu vì Iran đã buôn lậu vũ khí vào Bờ Tây, hãy tự hỏi bản thân bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu tình hình được đảo ngược. Hãy tưởng tượng rằng Ai Cập, Jordan và Syria đã giành chiến thắng trong Cuộc chiến Sáu ngày vào năm 1967, khiến hàng triệu người Israel phải chạy trốn. Hãy tưởng tượng rằng các quốc gia Ả Rập chiến thắng sau đó đã quyết định cho phép người Palestine thực hiện “quyền trở về” và thành lập một nhà nước của riêng họ ở một số hoặc toàn bộ Israel/Palestine. Giả sử thêm rằng khoảng một triệu người Do Thái ở Israel cuối cùng đã trở thành những người tị nạn không quốc tịch, bị giam giữ trong một vùng đất hẹp như Dải Gaza. Sau đó hãy tưởng tượng rằng một nhóm cựu chiến binh Irgun và những người Do Thái theo đường lối cứng rắn khác đã tổ chức một phong trào phản kháng, giành quyền kiểm soát vùng đất này và từ chối công nhận nhà nước Palestine mới. Hơn nữa, họ còn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ những người ủng hộ đồng cảm trên khắp thế giới và bắt đầu buôn lậu vũ khí vào vùng đất này, nơi họ dùng để tấn công các khu định cư và thị trấn gần đó ở nhà nước Palestine mới thành lập. Và sau đó giả sử rằng nhà nước Palestine phản ứng bằng cách phong tỏa và ném bom vùng đất này, khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng.

 

Trong hoàn cảnh này, bạn nghĩ chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ bên nào? Thật vậy, liệu Hoa Kỳ có bao giờ cho phép một tình huống như thế này xảy ra không? Các câu trả lời rất rõ ràng và chúng nói lên rất nhiều về cách thức một chiều mà Hoa Kỳ tiếp cận cuộc xung đột này.

Điều trớ trêu bi thảm ở đây là các cá nhân và tổ chức ở Hoa Kỳ vốn nhiệt tình nhất trong việc bảo vệ Israel khỏi những lời chỉ trích và thúc đẩy hết chính quyền này đến chính quyền khác ủng hộ Israel, bất kể họ làm gì, trên thực tế đã gây ra thiệt hại to lớn cho đất nước mà họ đang cố gắng giúp đỡ.

 

Hãy xem xét “mối quan hệ đặc biệt” đã dẫn đến đâu trong 50 năm qua. Giải pháp hai nhà nước đã thất bại và câu hỏi về tương lai của người Palestine vẫn chưa được giải quyết, phần lớn là do hoạt động vận động hành lang đã khiến các tổng thống Mỹ không thể gây áp lực đáng kể lên Israel. Cuộc xâm lược thiếu sáng suốt của Israel vào Lebanon năm 1982 (một phần trong kế hoạch ngu ngốc nhằm củng cố quyền kiểm soát của Israel đối với Bờ Tây) đã dẫn đến sự nổi lên của Hezbollah, lực lượng hiện đang đe dọa Israel từ phía bắc. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức Israel khác đã cố gắng làm suy yếu Chính quyền Palestine và ngăn chặn tiến trình hướng tới giải pháp hai nhà nước bằng cách ngấm ngầm ủng hộ Hamas, từ đó góp phần gây ra thảm kịch ngày 7 tháng 10. Chính trị nội bộ của Israel phân cực hơn Hoa Kỳ (đó là điều rất đáng chú ý), và các hành động của nó ở Gaza, việc mà hầu hết các nhóm vận động hành lang luôn bảo vệ, đang giúp biến Israel thành một quốc gia bị ruồng bỏ. Sự ủng hộ của giới trẻ Mỹ—trong đó có nhiều người Do Thái—đang giảm dần.

 

Và tình huống không vui này đã cho phép Iran bảo vệ chính nghĩa của người Palestine, tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân và cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập nước này. Nếu Ủy ban Công vụ Israel của Mỹ (AIPAC) và các đồng minh của họ có khả năng tự phản ánh, họ sẽ cảm thấy xấu hổ vì những gì họ đã giúp Israel gây ra cho chính mình.

 

Ngược lại, những người trong chúng tôi đã chỉ trích một số hành động của Israel – vì thế đã bị bôi nhọ một cách sai lầm là những người chống Do Thái, những người ghét người Do Thái, hoặc tệ hơn – trên thực tế đang khuyến nghị những chính sách có thể tốt hơn cho cả Hoa Kỳ và Israel. Nếu lời khuyên của chúng tôi được làm theo, Israel ngày nay sẽ an toàn hơn, hàng chục ngàn người Palestine vẫn còn sống, Iran sẽ không còn có bom, Trung Đông gần như chắc chắn sẽ yên bình hơn, và danh tiếng của Hoa Kỳ như một quốc gia tôn trọng nguyên tắc, bảo vệ nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ sẽ vẫn còn nguyên vẹn. Cuối cùng, sẽ có rất ít lý do để Iran buôn lậu vũ khí đến Bờ Tây nếu vùng đất này là một phần của nhà nước Palestine còn tồn tại, và sẽ có ít lý do hơn để các nhà lãnh đạo Iran cân nhắc xem liệu họ có thể an toàn hơn nếu sở hữu khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình hay không.

 

Nhưng cho đến khi có sự thay đổi cơ bản hơn trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Đông, những khả năng đầy hy vọng đó sẽ vẫn nằm ngoài tầm với, và những sai lầm đã đưa chúng ta đến đây có thể sẽ lặp lại.

 

-------------------------

Tác giả Stephen M. Walt là người phụ trách chuyên mục tại Chính sách đối ngoại và là giáo sư về quan hệ quốc tế của Robert và Renée Belfer tại Đại học Harvard. Twitter: @stephenwalt

 

Nguồn nguyên tác: America Fueled the Fire in the Middle EastForeign Policy, April 14th, 2024

 

Nguồn bản dịch: Mỹ châm thêm lửa ở Trung ĐôngDienDanKhaiPhong.Org, ngày 18 tháng 4 năm 2024

----

Bài có liên quan: Gặp hai đạo diễn Israel và Palestine của phim “No Other Land”

 

 





View My Stats